Giờ làm việc : 8h00 - 17h00

0866852175 | 0903 600 833

judo1@doanhchu.com

Công Ty Cổ Phần Thể Thao Judoka Việt nam

546 Ngô Gia Tự, P 9, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Một phòng tập đúng tiêu chuẩn luôn có người tấp nập ra vào tập luyện từ sáng đến tối. Đó là hình ảnh của CLB judo trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) - nơi đang góp phần rèn luyện sức khỏe và đạo đức cho hàng vạn học sinh trong 14 năm qua.

Kể chuyện cũ, nhớ người cũ

Ngay từ lúc tham gia xây dựng phong trào judo tại TPHCM (đầu thập niên 1990), cố võ sư Hoàng Việt Hùng (1955-2007) - nguyên Chủ tịch Liên đoàn judo Việt Nam - đã ấp ủ xây dựng 1 CLB judo trong trường học. Năm học 1996-1997, một người con của võ sư Hùng trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và ông được bầu làm Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh (Hội CMHS) nhà trường.


HLV Hiếu Hạnh hướng dẫn học trò tập luyện. Ảnh: Dũng Phương

Cùng lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chủ trương thay đổi một số môn học tự chọn trong nhà trường theo hướng mở, tùy theo điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất. Thấy “thời cơ” đã đến, ông Hoàng Việt Hùng đã tích cực vận động Ban Giám hiệu (BGH) và Hội CMHS nhà trường xây dựng 1 CLB judo dành cho học sinh.

Tháng 3-1997, một phòng học cũ chừng 50m2 được trang bị thảm và CLB judo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chính thức ra đời. HLV Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh (cựu tuyển thủ judo quốc gia) nhớ lại: “Lúc đó chỉ có 30 em lớp 10 và 11 theo tập 2 tiết/tuần”. Năm học sau, số lượng tăng lên 80 em và đến năm học 1998-1999, CLB đã đón nhận 150 em thường xuyên đến đây rèn luyện sức khỏe.

Phát triển mạnh mẽ

Số lượng học sinh theo tập không ngừng phát triển đã chứng tỏ sân chơi này đáp ứng được nhu cầu của học sinh nên nhà trường đã lấy phòng thí nghiệm hóa học cũ làm CLB judo thay cho phòng học cũ trước đây vì năm học 1999-2000, số lượng võ sinh đã tăng lên đến con số 300. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quy hoạch một phòng tập judo khi xây dựng lại khu sinh hoạt thể thao. Tuy dự án đề ra từ năm học 1999-2000, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên mãi 4 năm sau mới hoàn thành và judo đã có một cơ ngơi đàng hoàng bên cạnh Nhà tập luyện đa năng, sân bóng rổ ngoài trời…

Vừa quan sát các em quật ngã ầm ầm trên thảm, cô gái vàng judo Cao Ngọc Phương Trinh (về trường công tác từ năm 2006) cho biết thêm: “Lúc đầu, CLB chỉ dành cho các em lớp 10 và 11 vì khối 12 cần tập trung học văn hóa để thi tốt nghiệp. Nhưng đến năm học 2001-2002, BGH đã đồng ý cho CLB huấn luyện cho khối 12 theo nguyện vọng của các em. Hiện nay, CLB đón tiếp khoảng 300 em tập judo với tư cách môn tự chọn (2 tiết/tuần), 500 em tập judo thay cho môn thể dục và mỗi buổi tối có khoảng 25 - 30 em tham gia lớp năng khiếu, còn vào lúc cao điểm đã thu hút đến 1200 em - chiếm tỷ lệ phân nửa học sinh của trường hồi năm học 2002-2003”.

Học võ để nên người

Theo HLV Hiếu Hạnh, từ lúc có các em học sinh lớp 12 theo tập, Hội đồng giáo dục, Hội CMHS đã đánh giá cao các hoạt động của CLB vì nó không chỉ là sân chơi giúp các rèn luyện sức khỏe, xả stress… sau những giờ học văn hóa căng thẳng mà thông qua judo còn giúp các em tự tin, tôn trọng kỷ luật hơn…

Các võ sĩ-học sinh của CLB đã đóng góp khá nhiều thành tích cho judo Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Ảnh: Nhật Anh

Đặc biệt, CLB cũng góp phần chống bạo lực học đường - một vấn đề đang gây nhức nhối trong ngành Giáo dục. Bởi lẽ mọi bực dọc đã trút hết sau một buổi tập mệt nhoài, mà các em còn biết khuyên giải bạn bè hoặc thông báo cho nhà trường biết chuyện “các bạn sắp đánh nhau” để kịp thời ngăn chặn.

Học sinh của trường đã giành được hơn 60HCV các giải cấp thành phố, 7HCV, 9HCB, 15HCĐ ở các giải vô địch quốc gia, 1 HCB tại SEA Games 25, 1 HCV giải vô địch Đông Nam Á 2010 và 1 HCĐ giải vô địch kata châu Á 2011. Ba năm liên tục (2008 đến 2010), nhà trường và Hội CMHS đều tạo điều kiện cho các VĐV đi tập huấn ngắn hạn tại Học viện judo Kodokan (Tokyo, Nhật Bản).

Em Đào Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 12A8 bày tỏ: “Đầu năm lớp 10, tò mò muốn biết judo là gì nên em đã ghi danh tập môn võ này. Kể từ khi theo học đến nay, em cảm thấy luôn khỏe mạnh, vui tươi và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. CLB không chỉ là nơi dạy võ mà còn hướng dẫn chúng em học làm người”.


Khi nói về CLB mà mình có mặt từ buổi đầu, HLV Hiếu Hạnh khẳng định, CLB phát triển được như ngày nay, được đại diện cho ngành Giáo dục tham dự các Đại hội TDTT toàn quốc, VĐQG, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc… đều nhờ sự quan tâm của BGH và Hội CMHS, nhất là cô Hiệu trưởng Dương Thị Trúc Bạch - người xây dựng nền móng đầu tiên và ủng hộ CLB đến hôm nay. Hằng năm, nhà trường đều cấp kinh phí hoạt động cho CLB mua sắm trang thiết bị, tập huấn, thi đấu… như các bộ môn văn hóa khác.

14 năm xây dựng và phát triển, mô hình CLB judo THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã và đang mang lại một số hiệu quả thiết thực. Nếu được nhân rộng, các CLB judo, taekwondo… sẽ góp phần làm phong phú và hiệu quả hơn công tác giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông.

TRÚC QUỲNH (Báo Thể Thao)

http://thethao.sggp.org.vn/14-nammot-giac-mo-68352.html